Home > Tin tức > Chi tiết

Nghiên cứu Vaccine phòng bệnh dịch tả heo châu Phi – ASF đạt bảo hộ 92% trên heo rừng


 Theo chúng tôi được biết đây là nghiên cứu đầu tiên về một vaccine dùng qua đường miệng phòng bệnh dịch tả heo châu Phi – ASF cho heo rừng.

Thời gian gần đây bệnh dịch tả heo châu phi – ASF lây lan liên tục và diễn biến hết sức phức tạp, hiện bệnh đang là mối đe dọa lớn đối với ngành chăn nuôi heo toàn cầu. Bệnh đã lây lan ra hơn 55 quốc gia ở 3 châu lục và ước tính ảnh hưởng đến hơn 77% đàn heo toàn thế giới.

Ở các nước châu Âu, heo rừng là vật chủ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Lý do chính khiến ASF lan rộng liên tục và chưa từng có như hiện nay ở châu Âu là do hoạt động thương mại buôn bán heo và thịt heo, vận chuyển heo rừng bị bệnh và đặc biệt không có vaccine phòng bệnh.

Sự phát triển vaccine ASF gặp khó khăn do virus có bộ gen phức tạp, thiếu nghiên cứu cơ bản về sự gây nhiễm, tính miễn dịch của virus và trở ngại về kỹ thuật như thiếu dòng tế bào ổn định. Thử nghiệm sản xuất vaccine vô hoạt và vaccine dưới đơn vị đã không thành công do tạo miễn dịch bảo hộ thấp. Do vậy nhu cầu cấp bách hiện nay là ra đời một loại vaccine sống nhược độc có độ bảo hộ và an toàn cao sử dụng trong chương trình kiểm soát bệnh.

Mới đây, ngày 26/04/2019 một nghiên cứu của đại học Madrid, Tây Ban Nha đăng tải trên tạp chí khoa học thế giới công bố một bước tiến lớn trong việc nghiên cứu vaccine phòng dịch tả heo châu Phi – ASF.

Nội dung tóm tắt của nghiên cứu vaccine phòng bệnh dịch tả heo châu Phi – ASF như sau:

Trong nghiên cứu này người ta sử dụng một chủng virus nhược độc tự nhiên phân lập ở Latvia năm 2017 là Lv17/WB/Rie1 làm kháng nguyên vaccine dùng qua đường miệng cho heo rừng, virus Lv17/WB/Rie1thuộc genotype II. Thí nghiệm sẽ được công cường độc bằng virus độc lực cao Arm07 cũng thuộc genotype II.

Động vật sử dụng làm thí nghiệm là 18 heo rừng sạch bệnh khoảng 3 – 4 tháng tuổi, được nuôi trong cơ sở an toàn sinh học BSL-3 của trung tâm VISAVET thuộc đại học Madrid (Tây Ban Nha).

Ban đầu, lấy 9 heo thử nghiệm cho sử dụng vaccine chứa virus ASF chủng Lv17/WB/Rie1, sau đó, cho 3 heo khác nuôi tiếp xúc trực tiếp với 09 heo này (gọi 03 heo này là heo tiếp xúc hay heo Vcontact). Toàn bộ số heo trên được theo dõi bằng camera 24/24 và được ghi chép những thay đổi lâm sàng. Ngoài ra chúng được kiểm vào ngày thứ 0, ngày thứ 7 và ngày thứ 15 sau khi làm vaccine để kiểm tra sự truyền lây virus vaccine ở các thời điểm khác nhau.

Cùng lúc này một nhóm heo khác được công cường độc với chủng virus ASF độc lực cao Arm07. Nhóm này gồm 04 heo rừng.

Sau 30 ngày (kể từ khi sử dụng vaccine và công cường độc) hai nhóm heo này được cho tiếp xúc với nhau. Đồng thời 02 heo khỏe mạnh khác với cùng độ tuổi cũng được cho tiếp xúc với nhóm 16 heo trên.

Lô thí nghiệm trên được theo dõi thêm 24 ngày nữa, sau đó tiến hành mổ khám để đánh giá bảo hộ của vaccine. Bệnh phẩm mổ khám được test real-time PCR để phát hiện DNA của virus ASF.

Kết quả thí nghiệm:

Theo dõi nhóm heo làm vaccine trong 30 ngày đầu:

– Có 6/9 heo sử dụng vaccine dương tính với kháng thể kháng virus ASF dựa vào ELISA và IPT (phản ứng miễn dịch peroxidase) bắt đầu từ ngày 15 ± 3 sau khi làm vaccine.

– Có 3/3 heo tiếp xúc (heo Vcontact) dương tính với kháng thể kháng virus ASF từ ngày 14 ± 2 sau khi tiếp xúc.

Cả hai nhóm đều duy trì hiệu giá kháng thể ở mức cao trong suốt thời gian thí nghiệm.

Trong suốt 30 ngày sau khi làm vaccine không phát hiện thấy triệu chứng lâm sàng nào giống với ASF ở heo được sử dụng vaccine chủng virus Lv17/WB/Rie1. Tuy nhiên biểu hiện tăng thân nhiệt trên đàn heo thí nghiệm lên tới 40.1–40.8°C, biểu hiện này xuất hiện ở 7/9 heo được làm vaccine và 1/3 heo Vcontact, kéo dài trung bình khoảng 3.5 ngày vào khoảng thời gian giữa ngày thứ 4 đến ngày thứ 24 sau khi làm vaccine.

Kết quả này chỉ ra rằng sử dụng vaccine qua đường miệng virus chủng Lv17/WB/Rie1 có khả năng tạo đáp ứng miễn dịch ở cả heo được làm vaccine và heo tiếp xúc.

Kết quả sau khi công cường độc:

Sau khi công cường độc bằng cách tiếp xúc trực tiếp, 11 trong 12 heo được ăn vaccine sống sót (tỷ lệ bảo hộ đạt 92%). Hơn nữa, không có heo nào có biểu hiện lâm sàng hay bệnh tích giống với ASF sau khi công cường. Ngược lại, tất cả heo đối chứng được tiêm bắp với virus cường độc và heo không dùng vaccine đều biểu hiện triệu chứng nghiêm trọng giống với ASF

Sau khi mổ khám và so sánh bệnh tích trên heo được làm vaccine và heo công cường độc được thể hiện như sau:

Xoang ngực của heo mắc bệnh được sử dụng vaccine (A) và xoang ngực của heo công cường độc (B): Tràn dịch màng phổi, gan sưng to, lách sưng to … rất điển hình ở Heo không được bảo hộ bằng vaccine (B)


Hình ảnh xoang ngực và xoang bụng của heo được ăn vaccine (A) và heo tiêm bắp virus ASF cường độc Arm07 (B)

Tim: biểu hiện bệnh tích ở tim của heo được dùng vaccine (A) và heo không được dùng vaccine (B)


Hình ảnh màng ngoài tim (A) heo được dùng vaccine, (B) heo không được dùng vaccine

Thận: biểu hiện bệnh tích ở thận của heo được dùng vaccine (A) và heo không được dùng vaccine (B)


Hình ảnh bên thận (A) heo được dùng vaccine, (B) heo không được dùng vaccine

Niêm mạc ruột: biểu hiện bệnh tích ở bề mặt niêm mạc ruột của heo được dùng vaccine (A) và heo không được dùng vaccine (B)


Hình ảnh mặt niêm mạc ruột (A) heo được dùng vaccine, (B) heo không được dùng vaccine

Kết luận nghiên cứu Vaccine phòng bệnh dịch tả heo châu Phi – ASF

Kết quả của của nghiên cứu này chỉ ra rằng chủng virus Lv17/WB/Rie1 bảo hộ 92% khi sử dụng qua đường miệng cho heo rừng và heo tiếp xúc (heo Vcontact) trước thử thách công cường độc của virus độc lực cao chủng Arm07. Khả năng bảo hộ này không chỉ giúp heo sống sót mà còn giúp heo không biểu hiện triệu chứng lâm sàng, bệnh tích đặc trưng của ASF và không phát hiện virus ASF trong các mô đích.

Đây là vaccine qua đường miệng đầu tiên phòng ASFgenotype II được thử nghiệm cho heo rừng. Về tiềm năng sử dụng vaccine này trong thực địa có thể giúp giảm số vật chủ mẫn cảm, tăng sức miễn dịch trong quần thể heo rừng và còn giảm được tỷ lệ mắc ASF.

Các nghiên cứu tiếp theo nên đánh giá độ an toàn của vaccine khi sử dụng lặp lại, quá liều, tính bài thải virus trong thời gian dài và xác minh tính ổn định di truyền của virus vaccine để xác định liệu rằng virus chủng Lv17/WB/Rie1 có thể sử dụng rộng rãi cho heo rừng trong chương trình kiểm soát bệnh hay không?

Là một trong những thử nghiệm đầu tiên nhưng kết quả sơ bộ của nghiên cứu này cho thấy tiềm năng về sự ra đời của một loại vaccine nhược độc phòng dịch tả heo châu phi trong tương lai là khá cao. Tuy nghiên cứu mới chỉ dừng lại thử nghiệm trên heo rừng nhưng đây cũng là một tín hiệu khả quan, làm cơ sở dữ liệu nền cho các nghiên cứu tiếp theo cũng như là “tin vui” đầu tiên cho ngành chăn nuôi heo thế giới.

(Nguồn: VietDVM team)

Tham khảo chi tiết nghiên cứu bằng tiếng Anh tại đây