Home > Cà phê chia sẻ > Chi tiết

Mô hình chăn nuôi gà thịt theo hướng an toàn sinh học

Hiện nay, tình hình dịch bệnh trong chăn nuôi gia cầm của Long An nói riêng và cả nước nói chung đang diễn ra phức tạp. Đã có nhiều địa phương trong cả nước xuất hiện bệnh cúm gia cầm, tỉnh Long An cũng là một trong những đại phương có nguy cơ tái bùng phát dịch cúm gia cầm rất cao.

Từ thực tế nêu trên, để giúp người chăn nuôi nâng cao nhận thức trong việc vệ sinh, phòng bệnh trong chăn nuôi gia cầm nhằm hạn chế tối đa những thiệt do dịch bệnh gây ra, đầu tháng 4/2013, Trạm Khuyến nông Châu Thành triển khai thực hiện mô hình trình diễn “Vệ sinh phòng bệnh theo hướng an toàn sinh học trên gà thịt” thuộc chương trình Khuyến nông Quốc gia.


Mô hình được thực hiện tại hộ chị Nguyễn Thị Ngọc Dung, ấp Bình Trị 1, xã Phú Ngãi Trị, huyện Châu Thành, tỉnh Long An. Đây là một trong những nơi xuất hiện bệnh cúm gia cầm, gây thiệt hại kinh tế không nhỏ cho các hộ chăn nuôi trong vùng. Mô hình trình diễn được Trung tâm Khuyến nông Quốc gia hỗ trợ 1.380.000 đồng bao gồm thuốc sát trùng, vôi, trang phục bảo hộ lao động, vắc - xin, thuốc kháng sinh, lưới rào; đồng thời, Trạm Khuyến nông Châu Thành trực tiếp hướng dẫn quy trình vệ sinh phòng bệnh gà thịt theo hướng an toàn sinh học, đặc biệt là sử dụng đệm lót sinh học - dùng chế phẩm Balasa No1 để xử lý chất thải.

Sau khoảng 4 tháng thực hiện, đầu tháng 8/2013 Trạm Khuyến nông Châu Thành tổ chức tổng kết đánh giá kết quả thực hiện mô hình. Chị Nguyễn Thị Ngọc Dung là người trực tiếp thực hiện mô hình cho biết: trước đây gia đình chị và các hộ chăn nuôi gà trong khu vực có thực hiện phòng bệnh cho gà bằng vắc – xin nhưng không đầy đủ theo quy trình, việc phun thuốc sát trùng chỉ thực hiện khi có thông tin dịch bệnh xuất hiện ở địa phương lận cận, chất thải trong chăn nuôi không có xử lý hoặc xử lý rất đơn giản không đảm bảo yêu cầu,… Khi tham gia thực hiện mô hình, chị được Trạm khuyến nông huyện hướng dẫn thực hiện tiêm, chủng vắc –xin đúng lịch trình từ khi mua gà về nuôi đến xuất bán, gà nuôi nhốt, có hàng rào bao quanh khu vực nuôi, lối ra vào có hố sát trùng, thực hiện vệ sinh, sát trùng chuồng trại định kỳ và nhất là sử dụng chế phẩm sinh học Balasa No1 để xử lý chất thải trong chăn nuôi.

Kết quả là đàn gà phát triển tốt trong suốt thời gian nuôi, giảm tỷ lệ hao hụt, chuồng nuôi giảm mùi hôi, giảm công lao động dọn chuồng, gà ít bệnh E.coli, CRD hơn nên chị đã được giảm chi phí tiền thuốc thú y; cụ thể là với cách nuôi trước đây thì chi phí thuốc thú y là 9.000 đồng/con/đợt, sau thực hiện mô hình này thì chi phí thuốc thú y trung bình khoảng 6.000 đồng/con/đợt. Chị cho biết thêm, hiện nay giá thu mua gà của thương lái thấp nên hầu hết các hộ nuôi gà lân cận đều không có lãi, thâm chí là lỗ, nhưng đợt gà thịt của chị lần này sau khi xuất bán, trừ các khoảng chi phí thì ước tính chị vẫn có lãi.

Mô hình nuôi gà thịt áp dụng biện pháp an toàn được bà con chăn nuôi đánh giá có hiệu quả cao về kinh tế và cả về quản lý dịch bệnh, xử lý chất thải, hạn chế ô nhiễm môi trường. Do đó, mô hình này phù hợp để quãng bá, nhân rộng nhằm phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn và bền vững.

Huyền Trân - khuyennongvn